Trái đất trong lịch sử đã trải qua 5 lần đại tuyệt chủng

Trái đất trong lịch sử đã trải qua 5 lần đại tuyệt chủng

Loài người được sinh ra là do sự tuyệt chủng của rất nhiều loài sinh vật trước đó, như Khủng long hay Voi ma-mút,… Trên Trái Đất đã từng có những sự kiện tuyệt chủng khiến cho các loài này bị diệt vong, sau đây chúng ta sẽ cùng nhau nói về 5 cuộc Đại tuyệt chủng đã từng xảy ra trong lịch sử.

LẦN THỨ NHẤT: ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ ORDOVIC – SILUR

<Xảy ra cách đây khoảng 440 triệu năm trước, thời kỳ cuối kỷ Ordovic – khoảng 85% các loài sinh vật bị tuyệt chủng>

Kỷ Ordovic (Ordovician) là tên gọi của một thời kỳ địa chất, là kỷ thứ hai của đại Cổ Sinh*, bắt đầu vào khoảng 500 triệu năm trước, kéo dài khoảng 65 triệu năm.
*Đại Cổ sinh bao gồm sáu kỷ từ cổ nhất cho đến trẻ nhất là: kỷ Cambri, kỷ Ordovic, kỷ Silur, kỷ Devon, kỷ Than Đá và kỷ Permi.
Đây là sự kiện Đại tuyệt chủng có quy mô lớn thứ ba trong lịch sử Trái Đất, hơn nữa sự kiện tuyệt chủng kỷ Ordovic-Silur còn có hai vụ tuyệt chủng đỉnh điểm liên tiếp cách nhau khoảng hàng ngàn năm (có nơi lại ghi là cách nhau khoảng 4 triệu năm).
Tại kỷ Ordovic, phần lớn các loài sinh vật đều sống ở đại dương, bởi vậy các loài như Bọ ba thuỳ, Ngành tay cuộn (tương tự với Ngành động vật thân mềm nhưng khác nhau ở cấu tạo vỏ) và Lớp bút đá (những loài động vật thuộc địa) cùng nhiều loài sinh vật biển đã bị giảm mạnh về số lượng. Ước tính có khoảng 85% sinh vật biển bị tuyệt chủng.
Nguyên nhân của sự kiện tuyệt chủng này được cho là do Nam bán cầu xuất hiện sông băng, dẫn đến biến đổi khí hậu và hạ thấp mực nước biển, làm cho thành phần hoá học của nước thay đổi và xoá sổ môi trường sống của các nhóm động vật trên thềm lục địa.

LẦN THỨ HAI: ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ DEVON

<Xảy ra cách đây khoảng 365 triệu năm trước, thời kỳ cuối kỷ Devon – hầu như chỉ ảnh hưởng đến các sinh vật biển>

Kỷ Devon (Devonian) là tên của một thời kỳ địa chất, kỷ thứ tư của đại Cổ sinh, bắt đầu vào khoảng 405 triệu năm trước và kết thúc vào khoảng 350 triệu năm trước, kéo dài khoảng 50-60 triệu năm.

Trong cuộc Đại tuyệt chủng này có hơn ba phần tư sinh vật bị tuyệt chủng, đây là một chuỗi sự kiện tuyệt chủng kéo dài hàng triệu năm (có thể là gồm bảy đợt trải qua khoảng 7 triệu năm).
Các loài sinh vật sống tại các vùng biển cạn chịu ảnh hưởng nhiều nhất, các rặng san hô bị tổn hại không thể khôi phục được, chỉ hơn 100 triệu trăm sau mới xuất hiện loại san hô mới (sau đó dần tiến hoá thành loại san hô hiện đại trong đại Trung Sinh). Trên thực tế, hầu hết các đáy đại dương đã trở nên thiếu oxi, không thích hợp cho các loài sinh vật sinh sống – trừ vi khuẩn.
Nguyên nhân của cuộc Đại tuyệt chủng này được cho là do sự thay đổi mực nước biển (do sự lạnh đi toàn cầu hoặc hoạt động của núi lửa), sự va chạm của các tiểu hành tinh, biến đổi khí hậu cùng với sự xuất hiện của các loài thực vật mới làm thay đổi thổ nhưỡng.

LẦN THỨ BA: ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ PERMI – TRIAS

<Xảy ra cách đây 250 triệu năm trước, thời kỳ cuối kỷ Permi, làm tuyệt chủng khoảng 96% sinh vật trên Trái Đất>

Kỷ Permi hay còn gọi là kỷ Nhị Điệp (Permian) là kỷ cuối cùng của đại Cổ Sinh, diễn ra ngay sau kỷ Than Đá, bắt đầu vào khoảng 295 triệu năm trước đến khoảng 250 triệu năm trước thì kết thúc, kéo dài khoảng 45 triệu năm.

Ở kỷ Permi vỏ Trái Đất hoạt động tương đối mạnh, các mảng kiến tạo cũng chuyển động nhanh hơn, trong phạm vi toàn thế giới, sự khép lại của địa máng* hình thành nên các dãy núi gấp nếp, các mảng kiến tạo dần dần ghép lại tạo nên một lục địa cổ gắn liền với nhau (còn gọi là Toàn lục địa). Diện tích lục địa ngày càng tăng lên, các đại dương dần thu hẹp, môi trường địa lý thay đổi, thúc đẩy các sinh vật chủ yếu phát triển, biểu thị cho một thời kỳ phát triển mới của các sinh vật trong lịch sử đang đến gần.
*Địa máng: là một thuật ngữ đôi khi được sử dụng để chỉ những vùng đất võng xuống và kéo dài như cái máng mà trong đó có sự tích tụ trầm tích tạo thành bồn trầm tích và các đá trầm tích trong bồn này bị nép ép và biến dạng hoặc nâng lên thành dãy núi, đôi khi có sự tham gia của núi lửa và đá xâm nhập.
Đây chính là một cuộc “Đại tuyệt chủng” thật sự bởi 96% sinh vật đã bị tuyệt chủng trong sự kiện này, các sự sống trên Trái Đất đều là từ 4% sinh vật may mắn sống sót kia.
Sự kiên tuyệt chủng lần này thật sự rất phức tạp, bởi vì nó cũng ít nhất bao gồm hai thời kỳ tuyệt chủng cách nhau khoảng mấy triệu năm. Các sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các loài côn trùng cũng trải qua lần tuyệt chủng hàng loạt duy nhất của chúng trong lịch sử (làm mất đi khoảng 57% các họ và 83% các chi).
Nguyên nhân của lần Đại tuyệt chủng này được cho là sự va chạm của các tiểu hành tinh, phun trào núi lửa, sự thải khí metan ở quy mô lớn, hàm lượng khí oxy giảm, mực nước biển biến động,…

LẦN THỨ BỐN: ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ TRIAS – JURA

<Xảy ra cách đây 200 triệu năm trước, cuối kỷ Tam Điệp, các loài bò sát bị ảnh hưởng nghiêm trọng>

Kỷ Trias hay còn gọi là kỷ Tam Điệp (Triassic) là kỷ địa chất đầu tiên của đại Trung Sinh*, sau kỷ Permi và trước kỷ Jura, kéo dài từ khoảng 200 đến 251 triệu năm trước, ở kỷ này các loài bò sát cùng các loài thực vật hạt trần rất phát triển.
*Đại Trung Sinh: nằm giữa đại Cổ Sinh và đại Tân Sinh, được chia ra làm ba kỷ theo thứ tự từ cổ nhất đến trẻ nhất là: kỷ Trias, kỷ Jura và kỷ Creta.
Trong vòng 18 triệu năm, kỷ Trias đã trải qua hai đến ba lần tuyệt chủng hàng loạt.
Đã có rất nhiều động vật bị tuyệt chủng trong sự kiện này, bao gồm phần lớn các loài bò sát biển, một số ít động vật lưỡng cư, rất nhiều các loài san hô và các loài động vật khác cũng bị ảnh hưởng. Khoảng hơn phân nửa các loài động vật bị diệt vong, nhưng kỳ lạ là các loài thực vật dường như không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân được cho là sự biến đổi khí hậu, phun trào núi lửa và sự va chạm của các tiểu hành tinh.

LẦN THỨ NĂM: ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ CRETA – PALEOGEN

<Xảy ra cách đây 65 triệu năm trước vào cuối kỷ Creta, làm cho Khủng long – loài vật thống trị Trái Đất trong một thời gian dài kể từ kỷ Trias bị tuyệt chủng>

Kỷ Creta hay còn gọi là kỷ Phấn Trắng (Cretaceous) là kỷ cuối cùng của đại Trung Sinh, bắt đầu khoảng 145 triệu năm trước đến khoảng 70 triệu năm trước thì kết thúc, đây là kỷ có những biến đổi đáng kể trong lịch sử.
Bởi vì sự kiện này làm Khủng long bị tuyệt chủng cho nên nó được mọi người biết đến nhiều nhất, nhưng mà còn rất nhiều sinh vật khác vào cuối kỷ Creta vẫn rất phát triển, bao gồm các loài Cúc đá (nhóm các loài động vật không xương sống ở biển), các loài hoa thực vật và các loài Dực long (thằn lằn có cánh).
Trước đó hàng triệu năm trong cuộc Đại tuyệt chủng lần cuối cùng này, số lượng của một số nhóm động vật đã bắt đầu giảm dần, có thể là do núi lửa phun trào dẫn đến biến đổi khí hậu và mực nước biển giảm mạnh.
Cuối cùng, theo giả thuyết phổ biến nhất thì là do một thiên thạch/tiểu hành tinh rơi xuống đáy biển gần bán đảo Yucatan ở Mexico nên dẫn đến cuộc Đại tuyệt chủng này.

_______________

Mới đây các nhà khoa học đã cho rằng hiện tại đã bắt đầu một cuộc tuyệt chủng sinh vật mới, bởi vì một vài phút lại có một loài sinh vật nào đó bị tuyệt chủng, còn có một số lượng lớn các loài virus đang biến dị và sinh sôi với tốc độ nhanh, các thực trạng trên đều chứng minh được phần nào.
Nếu như loài người cứ tiếp tục phá hoại tự nhiên, động vật cùng loài người có thể bị virus giết chết, thuốc của chúng ta đổi mới chậm hơn nhiều so với tốc độ đột biến của virus, cứ tiếp tục như vậy, loài người và các loài sinh vật khác có thể sẽ bị diệt vong trong khoảng hàng triệu năm nữa.
Nói tóm lại, chỉ cần con người không còn phá hoại thiên nhiên, bảo vệ cân bằng sinh thái, trồng cây gây rừng thì có thể mong chờ vĩnh viễn không có cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6 xảy ra.

Nguồn: Weibo Việt Nam (Lược dịch: Tống Thanh Thu)



Điều Cần Biết Lịch Sử Squaland
Mua Bán Squaland
Nhà Tốt Squaland
News Squaland

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *