Nhã Ba Đồng Lộc và 10 đóa hoa bất tử ở tạo độ lửa

Nhã Ba Đồng Lộc và 10 đóa hoa bất tử ở tạo độ lửa

“Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”.

Nhắc đến địa danh Đồng Lộc là nhắc đến “túi bom, chảo lửa” trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là nhắc đến sự hy sinh, mất mát và lòng quả cảm của những chàng trai, cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống thì bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc này. Đây được xem như cổ họng, một trong những điểm giao thông quan trọng bậc nhất, nếu vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam.

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời đây cũng là nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết” hay còn gọi là “tọa độ lửa”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 tấn bom. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại, mặt đất biến dạng, đất đá cày đi xới lại.

Thế nhưng, mặc cho mưa bom, bão đạn, cái chết cận kề, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “tim có thể ngừng đập, nhưng đường phải thông”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… đã có hơn 16 nghìn người thuộc các lực lượng kiên cường bám trụ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu; trong đó có Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh.

10 NỮ THANH NIÊN XUNG PHONG – 10 ĐÓA HOA MÃI NỞ RỘ

Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh Niên Xung Phong 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. (Được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành)

Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong.

Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ đầy xúc động của chị Võ Thị Tần: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và dù đã 3 lần các cô bị vùi lấp nhưng đều rũ hết đất đá, đứng dậy tiếp tục làm việc.
Vào 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm – nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom.

Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại: một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Chỉ thị được đưa ra là phải dùng tay đào bới chứ không dùng máy xúc để tránh gây hại cho thi thể. Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp trong hầm, ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh. Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc – Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu. Đến gần 10 giờ ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc.

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và hầu hết chưa có ai lập gia đình. Càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra nhưng cũng đành bất lực. 10 đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, để hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.

10 cô gái hy sinh tại đây bao gồm:

– Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24): Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1963–1964, chị là Phó bí thư chi đoàn địa phương. Trước khi nhập ngũ, chị Tần có cảm tình với anh Nguyễn Đức Hồng, bạn học cùng lớp từ thuở ấu thơ. Trước lúc anh Hồng nhập ngũ, 2 người đã tổ chức lễ đính hôn. Tần trao cho anh Hồng lọn tóc thề thay lời hẹn ước. Kỷ vật ấy của Tần theo anh Hồng suốt những tháng năm chinh chiến. Mẹ chị Tần cũng đã mất vì bị bom Mỹ đánh sập hầm sau ngày chị hy sinh không lâu.

– Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24): Chị sinh trong một gia đình nông dân nghèo, được 7 tháng tuổi thì cha và bà nội chết trong nạn đói năm 1945, 4 tuổi thì mẹ tái giá. Cúc sống với ông nội, ông qua đời rồi ở với cô chú. 18 tuổi, chị Cúc lấy anh Cứ, người Sơn Tây trong huyện. Chồng chị cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại bị bệnh tâm thần. Nhà của đôi vợ chồng là một cái lều tranh nép bên chân đồi, chồng chị Cúc những lúc lên cơn tâm thần là đập phá và đánh chị. Rồi anh Cứ trong một lần đi chở vôi cho hợp tác xã về đến Hói Động bị lật thuyền và tử nạn. Chị Cúc lại về ở với cô chú. Tháng 7 năm 1965, chị Cúc tình nguyện lên đường gia nhập thanh niên ba sẵn sàng. Chị và chị Võ Thị Tần cùng ở chung đơn vị suốt 3 năm, cùng được kết nạp vào Đảng vào ngày 3/2/1967. Lúc hy sinh, chị Cúc nấp vào hố cá nhân nên người ta chỉ tìm được 9 cô gái trong hầm, phải ba ngày sau mới tìm được thi hài chị ở cách chỗ 9 cô gái kia hy sinh vài chục mét.

– Võ Thị Hợi (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20): Chị sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, Hà Tĩnh, là con thứ 5 trong gia đình. Thi thoảng Hợi mới có dịp về thăm nhà, chị kể: “Bom đạn dội xuống ghê gớm lắm mẹ ạ! Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ đợi dứt đợt bom là chúng con ra đường ngay, để xe khỏi bị tắc trên đường vào Nam mẹ ạ!”

– Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1948 – hi sinh ở tuổi 20): Chị nhập ngũ năm năm 1967. Tại mặt trận, chị quen anh Vĩnh, tiểu đội phó Đơn vị bộ đội công binh phá bom. Anh Vĩnh là một đảng viên, một tiểu đội phó dũng cảm và kiên quyết, chị Xuân càng quý và tin anh, 2 người viết cho nhau nhiều lá thư giữa các trận đánh. Chị Xuân tâm sự với bạn bè: “Nhiều đêm nằm em thấy anh Vĩnh về thăm. Bẵng đi một thời gian không có thư anh về, em đã lo. Em nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng em vẫn đợi…”. Sau này Xuân mới biết anh Vĩnh nhiều lần bị thương. Mối tình giữa 2 người vừa chớm nở thì chị Xuân hy sinh.

– Dương Thị Xuân (sinh năm 1947 – hi sinh ở tuổi 21): Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân – Đức Thọ, trong một gia đình đông con. Trước khi đi thanh niên xung phong, chị Xuân có quen anh Tân người cùng xã. Cũng như mối tình chị Tần – anh Hồng, Xuân và anh Tân đã không thực hiện được lời hẹn ước vì đất nước có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Xuân mến anh Tân nhưng chưa muốn vấn vương chuyện gia đình, cô hẹn anh khi nào thống nhất đất nước thì sẽ liệu. Anh Tân nghĩ vậy là đúng. Trước khi Xuân lên đường, anh trao cho Xuân một quyển điều lệ Đảng mà anh vẫn dùng và lấy sợi ni lông xanh, đỏ buộc vào cổ tay Xuân rồi nói: “Màu đỏ là của anh, màu xanh lam này là của em. Khi nào nhớ đến anh, em hãy nhìn chiếc vòng này”.

– Trần Thị Rạng (sinh năm 1950 – hi sinh ở tuổi 18): Chị sinh ra tại xóm chài Thọ Thuỷ – Đức Vĩnh – Đức Thọ, thời thơ ấu theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La. Ngày 3-11-1967, chị gia nhập Thanh niên xung phong. Ngoài giờ ra trận địa, Rạng cùng chị em làm toán, làm văn, tập hát, lúc nghỉ giải lao lại trêu đùa đại đội trưởng và mấy anh lái xe ủi.

– Hà Thị Xanh (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19): Chị Xanh đậm người, khoẻ mạnh, làm việc gì cũng xốc vác, hay nhận việc khó về mình. Một lần được nghỉ phép, chị Xanh đã rủ chị Hà về nhà mình chơi. Chị Hà nói với mẹ chị Xanh: “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước chúng con thực hiện phong trào “ba khoan”, nghĩa là khoan lấy chồng”.

– Nguyễn Thị Nhỏ (sinh năm 1944 – hi sinh ở tuổi 24): Bố mẹ chị mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi chị Nhỏ từ bé. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày một ác liệt, chị Nhỏ xin vào Thanh niên xung phong.

– Trần Thị Hường (sinh năm 1949 – hi sinh ở tuổi 19): Chị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị hy sinh năm 1953 ở mặt trận, khi Hường mới 4 tuổi. Hai năm sau, mẹ đi lấy chồng khác, Hường ở với bà ngoại và cậu mợ tại xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh. Chị có giọng hát hay, được mệnh danh là “chim sơn ca” của tiểu đội và của cả Đại đội 522.

– Võ Thị Hà (sinh năm 1951 – hi sinh ở tuổi 17): Chị sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, là con thứ ba trong gia đình có năm con. 17 tuổi, chị lên đường vào TNXP. Có hôm Hà về thăm nhà, ăn vội ăn vàng để đi kẻo chậm. Lúc nào về Hà cũng mang theo một vài quyển truyện để đọc và nói “Không có sách, ngoài giờ ra trận địa con buồn lắm mẹ ạ”. Hà ít tuổi nhất tiểu đội nên bao giờ cũng được chị Tần, chị Cúc, chị Nhỏ coi như em út, không cho làm việc nặng. Sau đó mẹ Hà gửi mấy con gà con đến Đồng Lộc để chị em nuôi, rồi có lần Hà đem về nhà một con gà mái. Một hôm tự nhiên con gà mái vỗ cánh gáy như gà trống, mẹ của Hà bảo “thế nào chị Hà cũng có chuyện rồi”. 2 ngày sau thì nghe tin chị Hà hy sinh.

Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi” trong lúc đồng đội tìm thi thể cô:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?…
…Gọi em,
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi!”

TUỔI 20 CÒN TRONG TRANG LƯU BÚT.

Bà Nguyễn Thị Hường (o Hường) – người 50 năm qua vẫn còn lưu giữ những trang lưu bút của 10 thanh niên xung phong hi sinh ở Đồng Lộc đã chia sẻ như sau:
Đưa tay chỉ vào từng trang, từng trang, bà Hường rành rọt: “Đây là đoạn chị Cúc viết cho tui nè, đây là đoạn của Rạng viết nè. Bom trên đạn dưới rứa mà viết đọc nghe lãng mạn không chú nhà báo?”.

Rồi bà đọc, chất giọng Hà Tĩnh rưng rưng: “Rạng nhớ những buổi hoàng hôn, những đêm trăng sáng hai ta cùng nằm giữa sân nơi mảnh đất Phú Lộc, hai ta nói chuyện về tương lai tuổi trẻ và cuộc đời của ta tới sau này…”.

Và đây là lưu bút của chị Cúc: “Đầu đội pháo sáng, chân đạp bom bi, chúng ta đi khi Đảng cần dân gọi…”.

“Đây là cuốn sổ lưu niệm của tui khi ở tiểu đội 4 thanh niên xung phong của đại đội 552-P18 với mấy chị Tần, Xuân, Hợi, và mấy bạn Hường, Hà, Rạng, Xuân, Xanh, Nhỏ… Một tuần trước khi cả tiểu đội hi sinh, tui được trên điều động lên xã Trường Lộc để lập một khung cán bộ chuẩn bị vô tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Thời chiến, ở mô chẳng có đạn bom gian khổ, hi sinh, nhưng khi nhận lệnh rời tiểu đội vô Nam, cả mấy chị em ai cũng thương. Ai cũng nghĩ càng đi vô phía trong, càng gần địch, gian khó hơn, dễ hi sinh hơn, nên khi viết lưu bút cho tui ai cũng thương yêu, động viên.

Rứa mà mấy dòng lưu bút chưa ráo mực thì người hi sinh lại là mấy chị em ở lại chứ không phải người ra đi như tui…” – người phụ nữ mái tóc điểm sương rưng rưng.
Bà Hường ngưng một lúc, nén xúc động rồi nhớ lại: “Tui gắn bó với tiểu đội đúng 8 tháng. Tui quê Đức Thọ, tháng 11-1967 xung phong vô TNXP nhưng phải khai gian cho được 18 tuổi, chứ lúc đó mới 16. Chứ tính theo tuổi khai để đi TNXP nên coi như sắp tròn 70 tuổi rồi”.

MỐI TÌNH KHÔNG TRỌN VẸN.

Dù đã được nghe o Hường kể, nhưng khi gặp bà Võ Thị Minh, 70 tuổi, ở thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), chúng tôi vẫn thấy ngạc nhiên khi trên bàn thờ gia tiên của gia đình bà Minh có di ảnh liệt sĩ Võ Thị Tần – tiểu đội trưởng tiểu đội 4 TNXP Đồng Lộc. Chồng của bà Minh – ông Nguyễn Đức Hồng – là thương binh. Hiện tại Hồng đã mất vào năm 2018 vì bị tai biến mạch máu não. Ông là người yêu của chị Võ Thị Tần.

“Anh Hồng hơn chị Tần một tuổi nên từ nhỏ hai người là đôi bạn thân. Lớn lên, hai người từ bạn thân thành người yêu” – bà Minh kể.

Năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Lúc đó chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng đã phải gác lại mọi chuyện, làm đơn xin tham gia vào chiến trường.

“Ngày anh Hồng lên đường nhập ngũ, chị Tần tới cầm tay anh Hồng, lấy từ trong túi áo trao cho anh một bức ảnh và lọn tóc thề. Anh Hồng tặng lại cho chị chiếc lược trắng. Trao kỷ vật xong, cả hai nhìn nhau không nói nên lời. Anh Hồng vào Quảng Trị, chị Tần ở lại ngã ba Đồng Lộc” – bà Minh kể tiếp.

Đến cuối năm 1968, anh Hồng được điều động ra Bắc học, sau gần một tuần hành quân bằng đường bộ từ Quảng Trị đã về đến quê nhà. Khi đi qua cầu Nghèn (Can Lộc) thì bị giữ lại vì nghi ngờ là quân đào ngũ. Khi anh đang giải trình thì một người cùng làng lúc đó đang sửa lại cầu Nghèn báo cho anh biết tin chị Tần làm nhiệm vụ thông đường tại tuyến lửa ngã ba Đồng Lộc đã hi sinh. Cầm trên tay tấm ảnh và lọn tóc thề của Tần, nước mắt anh Hồng giàn giụa.

“Mặc dù chưa cưới, nhưng chồng tôi xem chị Tần như là vợ. Khi vợ chồng tôi cưới nhau thì lập bàn thờ và rước di ảnh chị Tần về thờ trang trọng trong nhà.

Nay chồng tôi mất, cứ đến ngày rằm, mồng một tôi lại lo hương khói cho chị ấy. Đến ngày giỗ của chị Tần, tôi và các con sửa soạn làm mâm cơm để cúng. Chị Tần mất đã 50 năm rồi” – giọt nước mắt rơi trên gương mặt người phụ nữ già nua…

Bài viết được chọn lọc và tổng hợp bởi Lê Tiến Nguyên.

Tổng hợp từ Wikipedia, tuoitre, tuoitrebinhduong, baotintuc, zingnews



Điều Cần Biết Lịch Sử Squaland
Mua Bán Squaland
Nhà Tốt Squaland
News Squaland

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *